Tuesday, February 12, 2008

Vien Anh Dan Chu Tai Viet Nam Nam 2008

Tôi xin mạn phép được đưa phát biểu của quý vị có danh tánh dưới đây vào Blog nầy vì lâu nay trên Diễn Ðàn Online đó đây khắp thế giới đều có bài viết của họ để quý Ðọc Giả có dịp đọc một tập hợp Quan Ðiểm và Nhận Xét Tình Hình Việt Nam.Hy vọng quý vị sẽ co một cái nhìn rõ nét hơn về tương lai Việt Nam.

Thân chúc quý vị và quý quyến Một Năm Mới An Khang & Thịnh Vượng.

Chân thành cảm ơn BNS Ngày Nay(Houston, Tx) và NB Người Việt (Nam California)

Thanh Phong.
----------------------------------------------------

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=73677&z=85
Viễn ảnh dân chủ ở VN trong năm Mậu Tý 2008
Monday, February 11, 2008
HOUSTON (NN) – Trong năm Đinh Hợi, 2007 qua, tình hình dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam là một năm đầy suy thoái với những đàn áp các người dân chủ một cách thô bạo qua các phiên tòa một chiều.
“Trong năm Mậu Tý 2008, viễn ảnh dân chủ Việt Nam sẽ ra sao? Liệu có sáng sủa, tiến bộ hơn năm qua không?”
Ngày Nay đã đem các vấn đề trên ra hỏi một số nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam ở nhiều nước khác nhau tại hải ngoại gồm các ông Nguyễn Minh Cần ở Mạc Tư Khoa, Nga, các ông Bùi Tín, Luật sư Trần Thanh Hiệp và Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng ở Paris, Pháp, và ở Hoa Kỳ, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt (Virginia), Giáo sư Lê Xuân Khoa (California).
Nói chung, mọi người đều nhìn thấy vấn đề dân chủ ở Việt Nam vẫn còn những trở ngoại, khó khăn từ nhiều phía cần phải vượt qua và nếu có lạc quan thì như lời Ls Trần Thanh Hiệp, “vẫn cứ nên [lạc quan] dè dặt”

* NGUYỄN MINH CẦN (Mạc Tư Khoa, Nga)
Cơ hội mới
Theo tôi, năm Tý (2008) sẽ đem lại cơ hội mới hơn và tạo ra những thuận lợi lớn hơn cho phong trào dân chủ.
Cuối năm Hợi (2007), ta thấy rõ lòng dân ta — nhất là giới trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ tuổi — đã sục sôi mạnh mẽ như thế nào trước âm mưu của kẻ láng giềng phương Bắc cố tâm xâm lấn bờ cõi, lãnh hải và các hải đảo nước ta. Cao trào mãnh liệt của lòng yêu nước bùng lên trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng. Điều đó làm nổi bật thái độ nhu nhược, đớn hèn của kẻ cầm quyền nước ta hiện nay khi đối mặt với kẻ thù chung của dân tộc. Đồng thời nó cũng phơi bày cho nhiều người dân bình thường biết đến những hành vi coi rẻ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta mà những người lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản đã thể hiện ngay dưới thời các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, cho đến thời các ông Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh gần đây. Tình hình này làm cho giới trí thức và những người yêu nước ta càng thêm tỉnh ngộ, thấy rõ bộ mặt thật của giới cầm quyền toàn trị.
Thêm nữa, trong suốt năm Hợi, dù bị kẻ cầm quyền đàn áp tàn bạo, nhưng cuộc đấu tranh không ngừng của “dân oan”, cũng như các cuộc đình công mãnh liệt của công nhân, lao động vẫn liên tục nổ ra. Dư âm của cao trào đấu tranh cho dân chủ và tự do tuy bị khủng bố ác liệt, song vẫn còn sống động trong lòng những người dân chủ, yêu tự do và họ đã cố tận dụng mọi cơ hội để tiếp tục duy trì đấu tranh, tuy không rầm rộ như trước nhưng vẫn giữ được tính kiên trì, bền bỉ.
Từ đó, ta thấy rõ khả năng kết hợp lòng yêu nước vừa bùng lên với ý thức dân chủ, tự do đã trỗi dậy từ lâu. Đây là cơ hội mới trong năm Tý này, nếu ta thực hiện được sự kết hợp lòng yêu nước với ý thức dân chủ, tự do thì phong trào dân chủ và yêu nước sẽ có sức mạnh lớn, có khả năng đứng vững được trước mọi cơn bão táp. Sự kết hợp này sẽ kết nối mọi cuộc đấu tranh của các tầng lớp, của các tôn giáo, của các sắc tộc, của trong và ngoài nước, do đó tạo nên sức mạnh tổng hợp có khả năng chuyển hoá chế độ toàn trị độc đảng hiện tồn dần dần sang chế độ dân chủ đa đảng.
Trên đây, tôi chỉ mới nhấn mạnh đến điều kiện chủ quan mà thôi.
Tuy nhiên, muốn tận dụng được khả năng kết hợp này để tạo nên sức mạnh tổng hợp thì về mặt chủ quan, những người yêu nước và những người dân chủ cần tăng cường sự đoàn kết, hoà hợp với nhau, bồi dưỡng tinh thần và ý chí đấu tranh, và đặc biệt là phải tránh được xu hướng thoả hiệp với kẻ cầm quyền cộng sản. Cái xu hướng này rất tai hại cho phong trào, cho cuộc đấu tranh chung, vì nó làm triệt tiêu ý chí đấu tranh kiên cường với kẻ cầm quyền độc ác và giảo quyệt, nó tạo ra trong quần chúng một tâm lý chờ đợi — có người gọi là “chờ sung rụng” — và cũng tạo cho những kẻ cơ hội dựa vào đấy để cầu mong chút lợi ích riêng tư của họ, bất chấp quyền lợi chung của cả phong trào. Điều đáng chú ý là xu hướng thoả hiệp này đang được một số “nhà lý thuyết” làm lan toả cả trong lĩnh vực chính trị lẫn trong lĩnh vực tôn giáo...
Còn về mặt khách quan thì trong năm Tý, sức ép của các lực lượng dân chủ trên thế giới đối với kẻ cầm quyền chế độ độc tài toàn trị chắc chắn sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, những người yêu nước và yêu dân chủ tự do nước ta, một mặt ra sức vận động để tăng thêm áp lực đó, đồng thời - mặt khác - không nên thụ động chờ đợi và quá ỷ lại vào yếu tố khách quan đó. Chỉ có sự cố gắng của bản thân dân ta cả trong lẫn ngoài nước mới là yếu tố quyết định cho thắng lợi cuối cùng.
Tóm lại, theo tôi, chúng ta có thể vui vẻ bước vào năm Tý với tinh thần sảng khoái và lạc quan!

* ÔNG BÙI TÍN (Paris, Pháp)
“Túi khôn” Việt
Sắp bước vào năm Mậu Tý - năm con chuột -, tôi hay nghĩ về cái ''túi khôn của dân tộc''. Có lẽ vì con chuột là tiêu biểu cho sự tinh khôn, trí khôn.
Mấy năm nay tôi hằng mong ở nước ta sẽ xuất hiện một vài viện nghiên cứu về đường lối chính sách, phương tây gọi là ''think - tank'', gồm những người được coi là những bộ óc tinh khôn, ưu việt nhất của đất nước; họ đấu trí lại, tranh luận, sàng lọc, kết tinh những chính kiến thông minh sáng tạo nhất thành những phương hướng, mục tiêu chiến lược, khẩu hiệu hành động cô đọng nhất để mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước trong thời gian ngắn nhất.
Ở Hoa kỳ, xét cho tận cùng, không phải tổng thống này, bộ chính trị đảng nọ định ra đường lối chính sách; thật ra lại là do Viện nghiên cứu này hay Viện nghiên cứu khác tìm ra và giới thiệu cho toàn xã hội đánh giá bằng thăm dò dư luận để cuối cùng được các chính khách thượng thặng so sánh và tuyển chọn.
Những ''think-tank'' ấy được gọi là túi khôn của đất nước và dân tộc.
Nó ít khi lầm lẫn; khi tỏ ra lầm lẫn, sẽ được bổ cứu ngay vì có ganh đua giữa các ''túi khôn'' khác nhau để có sự lựa chọn.
Ở các nước cộng sản, tư duy chật hẹp, khuôn sáo, được nhóm lãnh tụ nghĩ ra, cưỡng ép bộ chính trị và trung ương chỉ có chấp nhận và ngợi ca, ép cả xã hội nuốt chửng trong đe dọa và khủng bố; người khôn không thiếu nhưng đứng ngoài lề hay trong nhà tù (vì dám khôn hơn đảng), cả xã hội thấy sai mà chịu chết vì không được thay bằng một sự lựa chọn nào khác.
Mấy năm nay, do bắt liên lạc được với thế giới dân chủ ở một nấc văn hóa cao hơn hẳn của trí khôn nhân loại, xã hội ta bắt đầu khôn lên rõ rệt, bớt sợ cường quyền hung hãn và tối tăm, nhận rõ dần đảng lãnh đạo đã dẫn dắt dân ta vào ngõ cụt tệ hại của chiến tranh và nghèo đói (trách nhiệm về chiến tranh một nửa phần trách nhiệm khởi đầu là do thực dân Pháp), rồi nhận ra ''đổi mới'' thật ra chỉ là đổi mới dè dặt, nhút nhát, vừa đổi vừa run, chỉ để duy trì đặc quyền đảng trị.
Năm Mậu Tý này, dân chủ hóa sẽ đi những bước chắc, vững vàng vì ''túi khôn'' của xã hội lớn lên trông thấy. Hàng vạn luật sư (được học bài bản về cán cân công lý) sẽ theo gót Nguyễn Văn Đài, Công Nhân, Trần Lâm...; hàng vạn nhà báo (được hiểu ngòi bút có nhân cách không phải ngợi ca cường quyền mà là bênh vực lẽ phải và sự thật) sẽ nô nức theo gương nhà báo Lý Tiến Dũng, Bùi Thanh, Hồ Thu Hồng, blogger Hồ Lan Hương...; các nhà văn hóa giáo dục khôn lên nhanh, chống ngu dân, chống độc quyền chân lý, thức tỉnh mình để thức tỉnh xã hội sẽ vào trận từng mảng lớn, theo gót những Nguyên Ngọc, Hoàng Tụy, Nguyễn Nhã, Trịnh Cung, Hoàng Hưng, Nguyễn Viện, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Duy, Trần Huy Quang, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Huệ Chi... Theo tôi, sẽ có cả một cuộc ''Khởi nghĩa'' không bạo lực của tuổi trẻ và chị em phụ nữ, khi các bạn trẻ tự tin lập ra ''túi khôn'' do cái đầu tươi nguyên của chính mình, không theo vết mòn của những bánh xe đổ; khi truyền thống hiền hậu của các mẹ các chị vươn dậy chống cái ác cướp đất của người làm ra lúa gạo, cái ác bán phụ nữ và trẻ em như bán gà, lợn, cái ác của cảnh sát và công an cộng sản bất lương đánh đập người yêu nước ngay trước sứ quán tàu...
Trong năm Mậu Tý, dân chủ hóa trưởng thành, sẽ không còn nhiều người hài lòng với những trò cải lương ấm ớ như ''kiên quyết chống tham nhũng'', mà vụ án Bùi Tiến Dũng tròn hai năm (!) vẫn chưa xử xong. Đông đảo bà con ta đòi cỗ xe Việt nam quá cổ hủ, đời cũ, động lực thế kỷ 19, không thể sửa sang, sơn lại, tu bổ bộ phận, mà phải thay hẳn bằng một cỗ xe hiện đại, đời mới, thuộc một nền văn minh mới của thời đại, cỗ xe Dân chủ Đa nguyên Đa đảng, trên bốn bánh xe Tự do, Dân chủ, Pháp lý, Nhân quyền.
Cỗ xe mới đựợc người Việt trong ngoài nước hợp sức chế tạo sẽ phóng nhanh trên đại lộ quốc tế, sánh ngang với tốc độ cao của thế giới.
Cỗ xe Việt mang nhãn hiệu Việt Nam - Mậu Tý, con đẻ của ''túi khôn'' Việt

* Ls TRẦN THANH HIỆP(Paris, Pháp)
Lạc quan dè dặt
Để trả lời câu hỏi của Ngày Nay “viễn ảnh Dân chủ VN trong năm Mậu Tý ra sao? Có tiến bộ hơn năm qua không?” tôi cho rằng, một mặt nhất định phải khẳng định sẽ có tiến bộ nhưng đồng thời, mặt khác, đừng quên cân nhắc xem tiến bộ ấy sẽ có thể đạt tới mức nào? Tôi đã phát biểu một cách dè dặt không phải vì tôi sợ nói sai. Mà tại vì những tiến bộ đó, trước mắt, chưa phải là một sự thật khách quan trong xã hội. Nhưng trong tương lai chúng có khả thế trở thành hiện thực được.
Những tiến bộ mà Ngày Nay muốn nêu lên không phải là điều tự nhiên có mà là loại hiện tượng xã hội, do con người tạo ra. Do đó, thiết tưởng không nên suy nghĩ theo lối lý luận hình thức trong trừu tượng, mà phải quan sát kỹ càng thực tại để rút ra những kết luận thích hợp với thực tại ấy. Tôi khởi đi từ nhận định rằng viễn ảnh dân chủ tiến bộ ở Việt Nam không là gì khác hơn viễn ảnh đẩy lùi hay chuyển hóa được độc tài đang cầm quyền. Dân chủ trong năm Mậu Tý ở Việt Nam đánh bại được độc tài tới đâu để chuyển hoá nó thì sẽ có tiến bộ cho dân chủ tới đó. Ta không nên mơ ước hão rồi lập luận suông một cách vô trách nhiệm nhưng cũng đừng nên khiếp nhụợc trước độc tài hung bạo để vội vã tìm đường thỏa hiệp hay đầu hàng dưới hình thức này hay hình thức khác. Dân chủ có tranh đấu mới giành được
Lịch sử của hơn nửa thế kỷ Đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị đất nước đã chứng tỏ rằng độc tài không phải, và cũng không thể, là vô địch. Mọi thủ đoạn giả mạo dân chủ cũng như mọi luận điệu tuyên truyền gian xảo vì Tổ quốc, vì dân vì nước, vì công bằng xã hội, nhân quyền văn minh nay đã không còn lừa dối được ai nữa. Có thể nói năm Đinh Hợi đã là năm đánh dấu những chuyển động từ phía đủ mọi tầng lớp nhân dân, trong động thái tự phát rồi kết hợp, đứng lên cương quyết đòi tập đoàn cầm quyền cộng sản tiếm vị phải trả lại chủ quyền quốc gia cho nhân dân.
Lợi dụng ưu thế có súng ống trong tay, có nhà tù khắp nước, có một bộ máy tay sai khủng bố kìm kẹp đạo tặc, tập đoàn này, trẻ không tha, già không thương, đang ra sức đàn áp lực lượng dân chủ non trẻ mới ra đời ấy. Trước mắt, đã chỉ mới có những cuộc giao tranh cận chiến lẻ tẻ giữa độc tài và dân chủ. Nghĩa là cuộc đụng độ mới bắt đầu chưa thể coi như đã ngã ngũ, thắng bại đã phân định.
Theo tôi năm Mậu Tý sẽ là năm phát triển đà dân chủ của Đinh Hợi trong lô gích lực lượng dân chủ phải phối trí lại hàng ngũ, để trong tương lai không xa, phối hợp thành cuộc “đồng khởi” không thể tránh khỏi trước thái độ ngoan cố bám trụ chính quyền của lực lượng thống trị đã mất hết danh nghĩa chính đáng để tiếp tục cầm quyền. Lực lượng này điên cuồng đàn áp bừa bãi nhân dân vì nó đã bị lâm vào thế bị động chiến lược về chính trị. Nó chỉ còn biết trông vào bạo lực và gian dối để hòng câu thời gian sống sót. Bộ máy đàn áp của nó đang phải mỗi ngày một phình ra để ứng phó khắp mặt hầu bảo vệ chế độ. Trên đà mỗi ngày phải căng mỏng ra như thế, lực lượng này, nếu lâm sự, sẽ không thể tránh khỏi số phận bị chọc thủng và phá vỡ, tất nhiên không do tranh chấp võ trang mà do những cuộc biểu tình lịch sử đã có tiền lệ thành công. Đó là những cuộc “cách mạng màu” đòi dân chủ.
Vấn đề là trong năm Mậu Tý, các cơ cấu tranh đấu dân chủ ở trong nước cũng như ở ngoài nước có mau lẹ hảo dụng được thế thượng phong đó không? Tuy trong lòng tôi lạc quan nhưng kinh nghiệm lại cảnh cáo vẫn cứ nên dè dặt./
LTS – Ls Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris

* Gs ĐOÀN VIẾT HOẠT(Virginia)
Một thách đố to lớn
Theo tôi, nếu nhìn tiến trình dân chủ hóa Việt Nam dưới khía cạnh tự do hóa các sinh hoạt xã hội của người dân thì viễn ảnh dân chủ tại Việt Nam năm 2008 có triển vọng sáng sủa hơn năm 2007. Nhưng nếu nhìn dân chủ hóa dưới khía cạnh các hoạt động chính trị công khai đối lập và thách thức quyền lực chính trị của đảng CS thì trong năm 2008 phong trào dân chủ trong nước sẽ phải đối diện với những khó khăn hết sức to lớn.
Về phía nhà đương quyền CS tại Hà Nội, tiến trình Việt Nam hội nhập thế giới đã xẩy ra dễ dàng và nhanh chóng hơn sự chuẩn bị của họ, nên mặc dù có được nhiều thuận lợi trong đối ngoại, họ lại đang phải đối diện với những vấn đề đối nội ngày một thêm nghiêm trọng, nẩy sinh từ sự mâu thuẫn giữa chính sách mở cửa đối thoại với Mỹ và quốc tế nhưng lại “đóng cửa” và đàn áp với chính người dân trong nước. Chính sách đầy mâu thuẫn này không những không giúp phát huy được nội lực dân tộc, mà còn làm trở ngại cho cả việc tận dụng những cơ hội phát triển do quốc tế đem lại cho đất nước. Kết quả là người dân phải tự tìm mọi cách để vận dụng cơ hội “mở cửa” và nhanh chóng tự vươn lên. Một xã hội mới, xã hội “dân chính” (“ngoài luồng”), đã xuất hiện song song, và ngày càng độc lập hơn với xã hội “quan chính” (chính thức), thường thì thầm lặng, kín đáo, nhưng đã có nhiều lúc xuất hiện công khai, như muốn thử sức với công quyền. Một bộ phận trong dân chúng đã trở mình thức dậy, từ những vấn đề dân sinh dân quyền trước, đang tiến dần vào những vấn đề liên hệ đến quyền lợi và danh dự của dân tộc, để rồi sẽ tiến tới những vấn đề thuộc chủ trương và chính sách của chính quyền đương nhiệm. Lúc đó, không còn lâu nữa, vấn đề dân chủ sẽ không chỉ còn là mối quan tâm của một thiểu số những nhà dân chủ như hiện nay. Năm 2008 quần chúng sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến trình tự do hóa xã hội này, nhưng còn cần thêm thời gian chín mùi hơn nữa để tiến thẳng vào lãnh vực dân chủ hoá.
Do đó, trong năm 2008, phong trào dân chủ, trong cái nghĩa chính trị thuần túy của nó, vẫn chưa được người dân trực tiếp nuôi dưỡng và tiếp tay. Mọi hoạt động công khai thách thức quyền lực chính trị của đảng CS như các năm 2006, 2007 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu những nhà hoạt động không có kế hoạch hữu hiệu để giải quyết được hai vấn đề sinh tử cho phong trào: bù đắp lại được những tổn thất nhân lực do an ninh CS gây ra, và điều chỉnh sách lược hoạt động để vừa tồn tại vừa “cắém rễ” được vào quần chúng. Đây là một thách đố hết sức to lớn cho những nhà hoạt động dân chủ trong nước khi mà lực lượng của họ còn quá mỏng và dễ dàng bị an ninh xé lẻ và cô lập. Sự hỗ trợ của hải ngoại tất nhiên là cần thiết, nhưng sẽ chỉ hữu hiệu nếu vừa giúp bảo tồn được tiếng nói biểu tượng của những nhà dân chủ trong bất cứ hoàn cảnh nào, vừa giúp phát triển được một hệ thống nhân sự kế tục, tiềm ẩn trong quần chúng nhưng ngày một dồi dào một điều mà những nhà dân chủ “nổi tiếng” ở trong nước khó thể trực tiếp làm được trước màng lưới bủa vây thường trực của an ninh. Cho đến nay hải ngoại hoặc chưa hỗ trợ theo chiều hướng này, hoặc hỗ trợ chưa hữu hiệu.

* Gs LÊ XUAN KHOA(California)
Tức nước vỡ bờ
Trên bước đường hội nhập vào cộng đồng thế giới ngày nay, dân chủ hóa là xu thế tất yếu mà các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã phải thừa nhận nhưng vẫn còn cố trì hoãn bằng những bước quanh co. Trong thực tế, họ đang có một số điều kiện thuận lợi cho việc duy trì quyền lực và kiểm soát những biện pháp đổi mới cần thiết:
1. Hoa Kỳ và hầu hết, nếu không phải là tất cả, các nước khác trên thế giới đều đã chính thức công nhận và bang giao với chính quyền hiên nay ở Việt Nam. Thực tế là Hoa Kỳ và cả thế giới đang đua nhau vào làm ăn với Việt Nam trên căn bản bình đẳng, hai bên cùng có lợi .
2. Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã phát triển mạnh về kinh tế, nâng cao mức sống vật chất của người dân. Mặc dù lợi tức trên đầu người còn kém xa nhiều nước láng giềng, Việt Nam có chỉ số tăng trưởng cao hơn và có triển vọng gia nhập hàng ngũ những con rồng, con cọp ở Á châu.
3. Nhờ độc quyền cai trị đất nước trên nửa thế kỷ qua, nhà nước cộng sản đã thiết lập được một bộ máy tuyên truyền và công an vững chãi, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ đời sống của người dân. Ngoài ra, dù nội bộ đảng có phe phái khác nhau, tất cả đều đang hưởng lợi nên họ vẫn đoàn kết để bảo vệ đảng. Do đó, nhà nước vẫn duy trì được tình trạng ổn đinh, trấn áp được những cá nhân hay tổ chức bất đồng chính kiến đòi thực hiên dân chủ đa nguyên, đa đảng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đa số thầm lặng ở trong nước càng ngày càng tỏ ra bất mãn về sự bất lực hay thiếu thiện chí của nhà nước trước những vấn đề đối nội cũng như đối ngọai. Nông dân và lao động đã biểu tình hay đình công đòi hỏi chính phủ giải quyết những bất công xã hội, thanh niên đã xuống đường bày tỏ sự phẫn uất trước dã tâm của Trung Quốc chiếm đọat Hoàng Sa và Trường Sa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn kiên trì đối kháng với nhà nước, và gần đây hàng ngàn tín hữu công giáo đã tập hợp ở giữa thủ đô Hà Nội để cầu nguyện cho chính quyền trả lại tòa Khâm sứ cho Giáo hội. Tiếng nói đối lập ở trong nước mỗi ngày một can đảm hơn, đã nối kết được với những cuộc vận động cho dân chủ và nhân quyền ở ngoài nước và được sự ủng hộ của nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế. Đáng chú ý hơn nữa là thế hệ trẻ cũng đã lên tiếng chê trách chính quyền, đặc biệt qua những trang blog cá nhân đang nở rộ mà nhà nước chưa có cách nào kiềm chế được
Tất cả những thái độ bất mãn về chính trị và xã hội cho đến nay đều được bày tỏ một cách ôn hòa nhưng không kém phần quyết liệt, và đang có chiều hướng gia tăng và lan rộng. Nếu Đảng và Nhà nước không tìm được những giải pháp thỏa đáng, phù hợp với xu thế tất yếu của sự phát triển đất nước, thì tình trạng tức nước vỡ bờ sẽ không thể nào tránh khỏi. Không ai có thể ngăn chặn được xu thế tất yếu của lịch sử. Không ai có thể trấn áp được những trào lưu đang lớn mạnh trong quần chúng.
Giữa nguy cơ sụp đổ trong thảm họa và khả năng tồn tại trong một tiến trình dân chủ hóa thật sự, ai cũng thấy rõ sự lựa chọn nào là khôn ngoan sáng suốt. Do đó, khách quan mà nói, trong năm Mậu Tý, tình trạng chính trị và xã hội ở Việt Nam có triển vọng cải thiện hơn so với những năm qua, với sự đóng góp của những tiếng nói có thể khác biệt nhưng xây dựng vì lợi ích của đất nước,. Nhưng rồi đây Đảng và Nhà nước sẽ tiến tới bằng những quyết định đổi mới dứt khoát và cụ thể hay vẫn sẽ tiếp tục đi những bước quanh co, trì trệ? Câu hỏi này không ai có thể trả lời thay cho những người có trách nhiệm lãnh đạo hiện thời.

* Ks NGUYỄN GIA KIỂNG(Paris, Pháp)
Một Kịch Bản Đúng
* Phải tìm ra một kịch bản đúng cho cố gắng vận động dân chủ
Năm 2008 có thể sẽ có nhiều biến cố. Hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh có thể không còn nữa hoặc không còn sức khỏe để nắm chính quyền trong hậu trường, ông Nguyễn Tấn Dũng không còn dựa vào thế lực của hai ông này được nữa. Có thể sẽ có tranh chấp quyền lực gay go. Một hiện tượng đã bắt đầu từ hai năm nay và ngày càng trở nên rõ rệt là vật giá gia tăng. Giá cả gia tăng 9% trong năm 2007 theo thống kê chính thức nhưng thực phẩm, giá thuê nhà, học phí và những nhu yếu phẩm của quần chúng tăng trên 20%, trong khi thu nhập của quần chúng chỉ tăng từ 5 đến 10% tùy khu vực. Như vậy mức sống của quần chúng sẽ sa sút và tạo ra căng thẳng trong xã hội, đặc biệt trong khối công nhân. Năm 2008 cũng sẽ là năm mà vấn đề môi trường sẽ được thảo luận một cách gay gắt hơn hẳn trước đây, không những bởi đối lập dân chủ mà còn bởi chính những người có trách nhiệm trong đảng và nhà nước. Những diễn văn thiện chí không còn tác dụng xoa dịu nữa, đã đến lúc phải có những biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường đã quá nguy ngập. Khối dân oan cũng sẽ quyết tâm hơn, mạnh bạo hơn và có kinh nghiệm đấu tranh hơn. Tình thế sẽ rất gay go cho chính quyền cộng sản. Hãy nhìn vụ người công giáo tập trung cầu nguyện đòi lại tòa Khâm Sứ đang diễn ra ở Hà Nội. Vấn đề khiếu kiện nhà đất không thể có giải pháp vì ít nhất hai lý do: một là không có định chế nào, dù là thủ tướng chính phủ, có thể áp đặt một quyết định; hai là số lượng nhà đất bị cưỡng đoạt quá nhiều, có thể là hàng triệu vụ, giải quyết một vụ chỉ kích thích hàng trăm vụ khác. Nhiều khó khăn khác cũng sẽ đến, đảng cộng sản sẽ rất bối và dù muốn hay không cũng phải nới lỏng sự đàn áp. Các hoạt đông dân chủ sẽ dễ dàng hơn nhưng phải rút kinh nghiệm cuả hai năm 2006 và 2007 trong đó hàng chục tổ chức ra đời một cách hấp tấp rồi bị dẹp tan nhanh chóng, nhiều thiện chí và sinh lực đã bị uổng phí.
Vấn đề của những người dân chủ là tìm ra một kịch bản đúng cho cố gắng vận động dân chủ. Kịch bản đó phải đặt trọng tâm vào việc xây dựng một lực lượng dân chủ có tầm vóc. Không nên tốn kém quá nhiều thời giờ và nghị lực cho những nhân sĩ và những nhóm mới thành lập bởi những người chưa có kinh nghiệm đấu tranh dân chủ có tổ chức. Các nhân sĩ và các nhóm ngẫu phát này không thể làm gì khác hơn là tìm cách gây tiếng vang tối đa để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng cho họ. Tuy vậy họ không hiểu bản chất của công tác vận động quần chúng. Khát vọng dân chủ và công lý của quần chúng Việt Nam rất cao nhưng đừng bao giờ quên rằng quần chúng chỉ có thể động viên được nếu có một tổ chức mạnh để lãnh đạo, và đàng nào thì quần chúng cũng chỉ động viên được trong một thời gian ngắn. Một cuộc nổi dậy của quần chúng hoặc giành được thắng lợi nhanh chóng hoặc sẽ thất bại, kiên trì không phải là một đức tính của quần chúng. Trong giả thuyết vận động được quần chúng đứng dậy thì cũng bắt buộc phải có một tổ chức đủ mạnh để biến một thành công nhất thời thành một thắng lợi không thể đảo ngược. Một lần cho tất cả phải ý thức một cách thật rõ rệt rằng khi chưa có một tổ chức mạnh thì mọi cố gắng vận động quần chúng đều vô ích, cùng lắm chỉ gây được tiếng vang nhất thời và sau đó để lại sự thất vọng. Xây dựng một tổ chức chính trị đúng nghĩa đòi hỏi một cố gắng dài hơi trong hàng thập niên, nhưng là điều kiện bắt buộc. Không thể giành thắng lợi cho dân chủ nếu không có một tổ chức dân chủ mạnh. Trong hơn ba thập niên qua chúng ta đã cố tránh né sự thực hiển nhiên này, đã cố đi tìm những đường tắt, nên đã chẳng đạt được thành tựu nào đáng nói. Nếu vào năm 1975, hay khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, chúng ta dám có can đảm nhận diện và xắn tay áo giải quyết vấn đề cốt lõi này thì đất nước đã có dân chủ rồi. Chúng ta đã tránh né thay vì đối đầu với khó khăn cho nên khó khăn vẫn còn đó. Tuy vậy chúng ta không phải bắt đầu từ số không bởi vì trong thời gian đó cũng đã có những người nhìn đúng và hành động đúng, họ đã đi được một đoạn đường quan trọng, cố gắng của họ chỉ cần được đẩy mạnh thêm. Năm 2008 sẽ là một năm thuận lợi cho cuộc vận động dân chủ, năm 2009 và những năm kế tiếp sẽ còn thuận lợi hơn, nhưng một tình thế dù thuận lợi đến đâu cũng cần được vận dụng đúng. Phải khẩn cấp thay đổi cách suy nghĩ và hành động. Các cơ sở truyền thông có vai trò quyết định trong cuộc chuyển đổi tâm lý bắt buộc này nếu họ thực sự muốn đóng góp đem lại dân chủ cho đất nước.
LTS – Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, một thành viên lãnh đạo của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, trước đây là nhóm Thông Luận ở Paris.
------------------------------


Việt Nam. Ði Chùa Hương. Ca sĩ Ngọc Liên